Đó là nhận định được nhóm phân tích CTCK MB (MBS) đưa ra trong báo cáo Chiến lược 2020 mới phát hành. Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, MBS cho rằng triển vọng tích cực hơn trong lĩnh vực khí đốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho các nguồn năng lượng sạch hơn để phát điện.
Gia tăng nhập khẩu dầu thô
Theo BP, trữ lượng dầu thô của Việt Nam tính đến cuối năm 2017 đạt 4,4 tỷ thùng. Việt Nam đã xác định được 8 bể trầm tích dầu khí có tuổi Cenozoic (Niên đại Tân sinh – có tuổi địa chất từ 0 đến 65 triệu năm trước) trên thềm lục địa và vùng biển, bao gồm: bể trầm tích Sông Hồng, bể trầm tích Hoàng Sa, bể trầm tích Phú Khánh, bể trầm tích dầu khí Cửu Long, bể trầm tích dầu khí Nam Côn Sơn, bể trầm tích Tư Chính- Vũng Mây, bể trầm tích Trường Sa và bể trầm tích dầu khí Malay -Thổ Chu.
Giai đoạn 2011-2015, việc thăm dò thẩm định để gia tăng trữ lượng dự trữ đạt kết quả tốt với trung bình đạt trên 40 triệu tấn quy dầu/năm. Giai đoạn 2016 đến nay, việc gia tăng trữ lượng đang gặp khó khăn và kết quả đạt thấp, năm 2017, sản lượng dự trữ gia tăng chỉ đạt 4 triệu tấn quy dầu.
11 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam đạt 12,1 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 98% kế hoạch cả năm.
Gia tăng dự trữ dầu thô 10 tháng đạt 13 triệu tấn, hoàn thành 108% kế hoạch năm và tăng trưởng 8% so với thực hiện năm 2018.
Trước năm 2009, Việt Nam xuất khẩu toàn bộ sản lượng dầu khai thác, từ năm 2009 khi nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt động, mỗi năm Việt Nam sử dụng 6,5-7 triệu tấn dầu để sản xuất sán phẩm xăng dầu cho nhu cầu trong nước. Sản lượng dầu xuất khẩu giảm dần, đến 2018 đạt 4,1 triệu tấn.
Từ 2018, Việt Nam đã bắt đầu gia tăng nhập khẩu dầu thô khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, với công suất 10 triệu tấn/năm. Trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 7,44 triệu tấn, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2018.
Lĩnh vực khí - tích cực nhờ các dự án mới
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến năm 2025, đinh hướng đến năm 2035. Khí khai thác trong nước giai đoạn 2016 - 2020: Sản lượng khai thác khí đạt 10 - 11 tỷ m3 /năm. Giai đoạn 2021 - 2025: Sản lượng khai thác khí đạt 13 - 19 tỷ m3 /năm. Giai đoạn 2026 - 2035: Sản lượng khai thác khí đạt 17 - 21 tỷ m3 /năm.
Nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng LNG: giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1 - 4 tỷ m3 /năm. Giai đoạn 2026 - 2035 đạt 6 - 10 tỷ m3 /năm. Sản lượng khai thác khí 11 tháng đầu năm đạt 9,4 tỷ mét khối, hoàn thành 98% kế hoạch năm.
Triển vọng ngắn hạn vẫn tích cực hơn, do sản lượng bổ sung từ các dự án mới như lô 05-1B và 1C (Sao Vàng, Đại Nguyệt, sản lượng khí 1,5 bcm hàng năm bắt đầu từ năm 2022), Sử Tử Trắng giai đoạn 2 và mỏ Phong Lan Đại của Rosneft ( 600 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ năm 2019 đến 2023 và 400 triệu m3 khí đốt tự nhiên vào năm 2024), đều tại bể Nam Côn Sơn ngoài khơi.
Trong dài hạn, PVN cũng tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án khai thác khí mới tại khu vực Ma Lay- Thổ Chu, bao gồm dự án Lô B- Ô Môn, dự án Nam Du- U Minh, nơi có trữ lượng khí lớn đảm bảo cho phát triển dài hạn.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm và bày tỏ sẵn sàng tham gia vào các dự án khí LNG của Việt Nam, trong tổng thể quy hoạch phát triển ngành khí và điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong nước.
Thông tin từ nhóm phân tích MBS cho biết, dự án kho cảng nhập khẩu LNG của Công ty Hải Linh đã được tiến hành thực hiện từ năm 2018 và hiện đang bước vào giai đoạn xây dựng cuối cùng. Sau khi hoàn thành, sẽ thực hiện nhập LNG và hóa khí để cung cấp bù cho hệ thống các nhà máy điện khí, hóa chất trong khu vực Thị Vải, Nhơn Trạch và Hiệp Phước với sản lượng hàng năm là khoảng 120 nghìn tấn.Bên canh dự án LNG Thị Vải, Quy hoạch ngành công nghiệp khí đến 2030 cũng bao gồm 6 dự án điện khí LNG khác, với tổng công suất khoảng 18,5 triệu tấn/năm, nhằm cung cấp khí cho các dự án điện.
Dự án LNG Thị Vải của PV GAS cũng đang được tập trung thực hiện. Giai đoạn 1 với công suất 1 triệu tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 330 triệu usd, dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành tử nghiệm vào cuối năm 2021 để có thể cung cấp khí cho dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 với công suất 1.500MW, sản lượng điện khoảng 10 tỷ kwh/năm.
Petrolimex cùng đối tác JXTG Nhật Bản cũng đang trong thời gian xem xét và chờ chấp thuận dự án đầu tư LNG Vân Phong Khánh Hòa. Dự án gồm kho cảng nhập LNG với công suất giai đoạn 1 là 180 nghìn m3 và 2 nhà máy khí với công suất 3.000MW. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 cho việc nhập khẩu LNG dự kiến là khoảng 700 triệu USD.
Giá dầu năm 2020 được các tổ chức, chuyên gia dự báo sẽ chịu sức ép giảm giá bởi nguồn cung tiếp tục dồi dào, trong khi nhu cầu tăng chậm do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc. Ngày 6/12/2019, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận quan trọng, gia tăng sản lượng cắt giảm thêm 500 nghìn thùng/ngày, đưa tổng mức cắt giảm từ đầu năm 2020 lên mức 1,7 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận này góp phần hỗ trợ giá dầu ổn định hơn trong năm 2020. |
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp